Đức Phật

Sống tĩnh lặng

Sống tĩnh lặng

Sống tĩnh lặng là một điều thật tuyệt vời. Chúng ta cần tĩnh lặng như chúng ta cần không khí, như cái cây cần ánh sáng mặt trời.

Còn sống và bước đi trên mặt đất này là một phép lạ, nhưng hầu hết chúng ta lại chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi xa xôi nào đó như thể là có một nơi tốt đẹp hơn để đến vậy. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm hạnh phúc trong khi đó thế giới quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm. Những vẻ đẹp của đất trời đang gọi ta từng ngày, từng giờ nhưng hiếm khi ta nghe được.

Điều kiện căn bản để chúng ta có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy là sự tĩnh lặng. Nếu không có sự tĩnh lặng trong tự thân, nếu thân tâm ta đầy sự ồn ào, náo loạn thì ta không thể nghe được tiếng gọi của vẻ đẹp ấy.

Chúng ta có thể đi khắp mọi nơi và làm đủ hết mọi chuyện, nhưng những hạnh phúc sâu xa nhất của ta không hề phát xuất từ việc đi thu thập những kinh nghiệm mới lạ.

Hạnh phúc chỉ thật sự có mặt khi ta biết buông bỏ những gì không cần thiết, và ý thức rằng ta lúc nào cũng đang an ổn trong ngôi nhà của mình. Hạnh phúc chân thật có lẽ không xa xôi, nhưng nó đòi hỏi ta phải có một cái nhìn mới, như là nơi nào hạnh phúc đang có mặt.

Đức Phật dạy tĩnh tâm trong cuộc sống

Trong một lần Đức Phật du hành cùng các môn đồ của mình, có đi ngang qua một cái hồ. Phật nói với một người trong số đệ tử: “Ta rất khát, con đến bên hồ lấy cho ta một chút nước”.

Người này đã cầm theo cái bát đến gần hồ. Anh ta trông thấy một số người đang giặt giũ phía dưới hồ, rồi một chiếc xe bò đi qua khiến bụi bay tứ tung làm cho nước hồ càng thêm đục ngầu.

Anh này nghĩ ngợi: “Sao có thể đưa nước đục này cho Phật uống chứ?”.

Ngẫm nghĩ một lúc, anh quay lại và nói: “Thưa ngài, con thấy nước hồ rất đục, không thích hợp để người uống ạ”.

Phật nghe xong không nói gì, chỉ bảo tất cả hãy ngồi nghỉ ngơi bên gốc cây một lát. Nửa giờ sau đó, Phật lại bảo người đệ tử đó quay trở lại hồ lấy một ít nước để uống. Khi người đệ tử đến bên hồ, anh ta ngạc nhiên khi thấy nước hồ đã trong veo chẳng còn đục nữa, bởi vì bùn đã lắng xuống. Người này lấy một bát nước rồi mang tới bên Phật.

Lúc này Phật mới cất lời: “Con hãy quan sát. Chỉ cần ta để nước và bùn tự lắng, ta sẽ có nước trong để uống. Việc này không yêu cầu một chút nỗ lực nào. Tâm trí của chúng ta cũng như vậy. Những khi tâm rối, hãy chờ một lát và để tâm được yên. Những phiền não sẽ dần lắng xuống mà không cần gắng sức”.

Mỗi người có quyền chọn cho mình một thái độ để đối diện với hoàn cảnh, có người vô cùng bực bội và nóng nảy, có người lại lựa chọn, bình tĩnh để giải quyết. Song khi giữ được sự bình tĩnh, chúng ta sẽ xử lý được vấn đề khôn ngoan và nhanh chóng hơn.

Sức mạnh của sự tĩnh lặng

Như Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói rằng: Tâm bình an mang lại sức mạnh nội tâm và sự tự tin, nhờ đó mà có được sức khỏe tốt. Tâm trí của chúng ta cũng giống như cốc nước pha đủ thứ hỗn tạp, lúc bị khuấy lên, lúc lại bình lặng. Nếu như thấy lòng đang bất ổn, chi bằng tự cho mình một khoảng lặng để tâm trí được ổn định, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả mà thôi!

Sự bình tĩnh giúp con người rèn bản lĩnh sống, là viên đá quý của trí tuệ, là cội nguồn của thành công bền vững. Nếu như một việc có thể giải quyết được thì chắc chắc sẽ có hướng giải quyết, còn nếu một việc đã không thể giải quyết được, bạn có lo âu căng thẳng cũng chẳng thể làm gì được hơn.

Muốn thành công và hạnh phúc, bạn cần rèn khả năng bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh. Hãy giữ cho tâm thái được tĩnh tại, hòa ái mỗi khi nhìn nhận một vấn đề nào đó. Nhờ đó, góc nhìn của bạn không chỉ bao quát và khách quan hơn mà còn không bị những điều tầm thường che mắt.

Câu chuyện về vua Ashoka

Vào khoảng hai trăm năm mươi năm sau thời của Đức Phật, có một vị vua tên là Ashoka. Trong những năm đầu dưới triều đại của ngài, Ashoka là một vị vua tham tàn và khát máu, có tham vọng muốn bành trướng đế quốc của mình.

Ông không bao giờ cảm thấy được hạnh phúc. Một hôm, sau một trận chiến đẫm máu để giành thêm lãnh thổ cho đế quốc của ông, vua Ashoka lang thang trên bãi chiến trường một mình, giữa một cảnh tượng hãi hùng, nhà cháy, thây người và thú vật nằm vương vãi khắp nơi, có xác đã sình thối dưới sức nóng mặt trời và bị những con chim đói rỉa móc. Vua Ashoka chợt cảm thấy kinh hoàng trước cảnh tượng tang thương do chính mình tạo nên.

Vừa khi đó, có một vị sư chậm rãi đi thiền hành ngang qua trên bãi chiến trường. Vị sư không hề nói một lời nào, nhưng con người của ông tỏa chiếu một sự an lạc và hạnh phúc. Nhìn vị sư, Ashoka tự nghĩ, “Tại sao ta có hết tất cả những gì ta muốn trên thế giới này mà lại vẫn cảm thấy rât khốn khổ? Trong khi vị sư kia không có gì ngoài chiếc y và bình bát, mà trông có vẻ thảnh thơi và an lạc giữa một khung cảnh bi đát như thế này?”.

Và trên bãi chiến trường ấy, Ashoka đã có một quyết định thật to tát, ảnh hưởng đến lịch sử loài người. Ông đi đến vị sư và hỏi, “Thầy có an lạc không? Nếu có thì làm thế nào mà ngài được như vậy?”.

Vị sư không-có-gì-hết trình bày giáo pháp của Đức Phật đến cho vị vua có-hết-tất-cả. Sau cuộc gặp gỡ ấy, vua Ashoka đã trở thành một Phật tử thuần thành hết lòng tu tập theo giáo lý Đức Phật, cũng như hoàn toàn thay đổi đường lối cai trị của ông. Ông thôi không còn đem quân đi xâm lấn những xứ khác nữa. Ông cũng không để cho dân chúng bị đói kém.

Vua Ashoka đã tự chuyển đổi từ một bạo chúa trở thành một đấng minh quân, nổi tiếng là công bằng và bác ái, ơn đức của ông còn lưu lại cho đến ngàn đời sau. Chính những người con trai và con gái ruột của vua Ashoka đã có công mang đạo Phật từ Ần Độ vào Tích Lan. Giáo pháp của Đức Phật cắm rễ nơi này, từ đó lan truyền sang Miến Điện, Thái Lan và rồi khắp nơi trên thế giới.

Ngày hôm nay, cơ duyên của chúng ta con được tiếp xúc với Phật pháp, sau nhiều thế kỷ và qua nhiều nền văn hóa, cũng là một quả trái trực tiếp của sự chuyển hóa của vua Ashoka. Sự thảnh thơi và an lạc của một vị sư mấy ngàn năm trước vẫn còn ảnh hưởng đến thế giới chúng ta ngày nay. Sự tĩnh lặng của một người đã thay đổi hẳn hướng đi của lịch sử, và đem lại cho chúng ta con đường đi đến hạnh phúc của đạo Phật.

Câu chuyện về anh lính Pháp

Tôi vẫn còn nhớ khoảng thời gian ở Huế, năm 1947, khi còn là học tăng ở Phật Học Viện Báo Quốc, không xa chùa Tổ bao nhiêu (chùa Tổ là nơi tôi được xuất gia và tu học). Lúc đó, quân đội Pháp đã chiếm đóng toàn bộ vùng này và thiết lập căn cứ quân sự ở đây. Vì vậy, chung quanh chúng tôi thường nghe tiếng súng nổ giữa quân đội Pháp và lính Việt Nam. Những người dân sống trên các đồi cao thường lập nên những pháo đài bảo vệ. Có những đêm dân làng phải rút vào nhà để tránh những đợt nã súng. Buổi sáng khi thức dậy, có khi người ta thấy vài thi thể rớt lại từ trận đánh của đêm trước với những khẩu hiệu trên đường được viết bằng vôi trắng hòa với máu. Thỉnh thoảng, cũng có các tu sĩ đi ngang qua những con đường vắng vẻ này nhưng hầu như không ai dám đi vào khu vực đó, đặc biệt là những người dân thành phố Huế vừa mới trở về sau đợt sơ tán. Cho dù chùa Báo Quốc nằm gần nhà ga, cũng hiếm có ai liều mạng đến đó, điều ấy cũng nói lên được sự hiểm nguy của vùng này.

Mỗi tháng, từ Phật Học Viện Báo Quốc, tôi thường về thăm chùa Tổ một lần. Sáng hôm ấy, trời còn khá sớm, khi những giọt sương còn đọng trên đầu ngọn cỏ, tôi về thăm chùa Tổ, trong đãy mang theo một chiếc y và vài quyển kinh, trên tay cầm chiếc nón lá. Tôi thấy lòng nhẹ nhàng, hân hoan khi nghĩ đến chuyện được thăm Thầy, thăm huynh đệ và thăm ngôi chùa cổ kính, uy nghiêm.

Vừa băng qua ngọn đồi, tôi bỗng nghe một tiếng gọi lớn. Trên đỉnh đồi, phía trên con đường, tôi thấy một người lính Pháp đang vẫy tay ngoắt tôi lại. Tôi nghĩ anh ta đang chọc ghẹo tôi vì tôi là một ông thầy tu, nên tôi quay lại và tiếp tục đi xuống đường. Nhưng bỗng nhiên, tôi có cảm giác đó không phải là chuyện chọc phá. Tôi nghe tiếng gót giầy của anh lính Pháp chạy theo sau lưng tôi. Có lẽ anh ta muốn tìm tôi, cái đảy tôi mang theo trông có vẻ đáng nghi ngờ. Tôi ngừng lại và đứng đợi. Một người lính trẻ, với khuôn mặt gầy nhưng đẹp trai, tiến lại gần tôi.

“Anh đi đâu đó?” Anh ta hỏi tôi bằng tiếng Việt. Qua cách phát âm, tôi biết anh ta là người Pháp và vốn liếng tiếng Việt của anh còn rất giới hạn.

Tôi mỉm cười và hỏi anh bằng tiếng Pháp: “Nếu tôi trả lời bằng tiếng Việt anh có hiểu không?”

Khi nghe tôi nói bằng tiếng Pháp, gương mặt anh sáng lên. Anh nói rằng anh không có ý định điều tra tôi, anh chỉ muốn hỏi tôi một vài điều. “Thầy sống ở chùa nào?” Anh ta hỏi.

Khi tôi trả lời là tôi đang sống ở chùa Báo Quốc, anh ta trông có vẻ thích thú.

“Chùa Báo Quốc,” anh ta lặp lại. “Đó có phải là ngôi chùa lớn trên đồi gần nhà ga không?”

Khi tôi gật đầu, anh bèn chỉ lên một trạm bơm (pump house) trên đồi, với vẻ cảnh giác, và nói: “Nếu thầy không quá bận, chúng ta hãy lên trên kia nói chuyện một lát.” Chúng tôi ngồi xuống gần trạm bơm, anh ta kể cho tôi nghe về cuộc viếng thăm chùa Báo Quốc của anh và 5 người lính khác cách đó 10 ngày. Họ đến chùa vào lúc 10 giờ tối để lùng sục Việt Minh sau khi được nghe báo cáo là Việt Minh sẽ tụ tập ở đó.

“Chúng tôi mang theo súng và quyết bắt cho được họ. Chỉ thị của cấp trên là bắt họ, thậm chí thủ tiêu họ nếu cần thiết. Nhưng khi vào trong chùa, chúng tôi rất sửng sốt.”

“Bởi vì có quá đông Việt Minh ở đó hả?”

“Không, không.” Anh ta kêu lên. “Nếu thấy Việt Minh, chúng tôi đã không sửng sốt. Chúng tôi sẽ tấn công cho dù có nhiều bao nhiêu đi nữa.”

“Vậy các anh ngạc nhiên vì điều gì?”

“Những gì xảy ra quá bất ngờ cho tôi. Trong quá khứ, bất kể nơi nào chúng tôi lùng sục, hoặc là người ta bỏ chạy hoặc là người ta rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn.”

“Người ta đã bị khủng bố quá nhiều lần, cho nên họ mới sợ hãi bỏ chạy.” Tôi giải thích.

“Tôi không có thói quen khủng bố hoặc đe dọa người khác.” Anh trả lời. “Có lẽ vì họ đã bị hại bởi những người đến trước chúng tôi nên họ hoảng sợ như vậy.”

“Nhưng khi chúng tôi vào đến sân chùa Báo Quốc, chúng tôi có cảm tưởng như lạc vào một nơi hoàn toàn hoang vắng. Những cây đèn dầu được vặn rất nhỏ. Chúng tôi cố tình dậm chân thật mạnh trên nền sỏi, tôi có cảm giác rằng có rất nhiều người trong chùa, thế nhưng chúng tôi lại không nghe tiếng ai cả. Mọi thứ im lặng khủng khiếp. Tiếng la lối của những người bạn tôi làm tôi thấy khó chịu. Không ai trả lời. Tôi mở đèn pin lên, soi vào một căn phòng mà chúng tôi nghĩ là không có ai trong đó, và tôi thấy khoảng 50, 60 vị tu sĩ đang ngồi thiền trong yên lặng.”

“Đó là vì các anh đã đến đúng vào giờ ngồi thiền.” Tôi gật đầu, nói.

“Vâng, chúng tôi như đang bị một sức mạnh lạ lùng và vô hình chi phối,” anh ta nói. “Chúng tôi như bị giật lùi lại, chúng tôi quay lại và đi trở ra ngoài sân. Những vị tu sĩ không biết có chúng tôi đó! Họ không trả lời chúng tôi một lời nào và không tỏ ra một dấu hiệu nào cho thấy sự sợ hãi hoặc hoảng loạn.”

“Không phải họ không biết các anh, mà họ đang chú tâm vào hơi thở của họ. Chỉ có vậy thôi.”

“Tôi cảm thấy như bị chìm vào sự yên tĩnh của họ,” anh thừa nhận. “Điều đó thực sự khiến tôi phải kính phục. Chúng tôi đứng yên trong sân dưới một gốc cây lớn và đợi ở đó, có lẽ khoảng nửa tiếng. Sau đó, một hồi chuông vang lên và ngôi chùa trở lại những sinh hoạt bình thường. Một thầy cầm một cây đuốc, đến mời chúng tôi vào trong, nhưng chúng tôi chỉ nói cho ông ta biết lý do tại sao chúng tôi ở đó rồi rút lui. Kể từ ngày đó, tôi bắt đầu thay đổi quan điểm của mình về người Việt.”

“Trong số chúng tôi có rất nhiều thanh niên trẻ,” anh ta tiếp tục. “Chúng tôi rất nhớ nhà, nhớ gia đình và đất nước. Chúng tôi đã được cử sang đây để tiêu diệt Việt Minh, nhưng không biết là chúng tôi sẽ giết họ hay bị họ giết và không bao giờ có thể trở về quê hương với gia đình mình nữa. Nhìn thấy những người dân ở đây hết sức cực khổ để xây dựng lại cuộc đời tan hoang của họ nhắc tôi nhớ đến những cuộc đời tan nát của những người thân của tôi ở Pháp. Cuộc sống bình an và thanh thản của các vị tu sĩ làm tôi nghĩ đến cuộc sống của toàn thể nhân loại trên trái đất này. Và tôi tự hỏi tại sao tôi lại đến đây. Mối thù hận nào giữa Việt Minh và chúng tôi khiến chúng tôi phải du hành suốt một chặng đường dài đến đây để đánh họ?”

Trong tôi dâng lên một sự xúc động sâu sắc, tôi cầm tay anh ta, kể cho anh ta nghe câu chuyện về một người bạn cũ của tôi, được tuyển nhập ngũ để đánh Pháp và đã giành được chiến thắng trong nhiều trận đánh. Một ngày nọ, anh bạn tôi đến chùa nơi tôi đang ở, rồi đột nhiên ôm lấy tôi và khóc òa lên. Anh kể rằng trong một cuộc tấn công, khi đang trốn sau những tảng đá, anh đã thấy hai người lính Pháp đang ngồi nói chuyện với nhau. Anh nói: “Khi tôi thấy gương mặt sáng láng, đẹp trai và ngây thơ của những cậu bé này, tôi không thể đành lòng nhả đạn được, thưa Thầy. Người ta có thể cho là tôi yếu đuối, nhu nhược, họ có thể nói rằng nếu tất cả những người lính Việt Nam đều như tôi thì chẳng mấy chốc cả nước sẽ thua cuộc và bị chiếm mất. Thế nhưng, lúc đó, tôi đã thương kẻ thù của mình như mẹ tôi thương tôi vậy! Tôi biết rằng cái chết của hai người lính trẻ đó sẽ làm cho mẹ của họ ở Pháp đau khổ, giống như mẹ tôi đã từng đau khổ về cái chết của em trai tôi.”

“Vì vậy, anh thấy đó,” tôi nói với anh lính Pháp, “trái tim của người lính Việt Nam mang đầy tình yêu thương nhân loại.”

Anh lính trẻ ngồi yên lặng, chìm trong suy tư. Có lẽ, giống như tôi, anh đã ý thức hơn về sự mù quáng của giết chóc, thảm họa của chiến tranh, nỗi đau khổ của biết bao nhiêu người đang chết dần trong sự nhẫn tâm và vô lý.

Mặt trời lên cao và đã đến lúc tôi phải về. Người lính nói cho tôi biết tên anh là Daniel Marty, 21 tuổi. Anh vừa mới học xong trung học trước khi sang Việt Nam. Anh cho tôi xem hình mẹ, em trai và em gái anh. Chúng tôi chia tay với cảm giác hai bên hiểu và thông cảm nhau. Anh ta hứa sẽ đến chùa thăm tôi vào ngày Chủ nhật.

Trong những tháng tiếp theo sau đó, mỗi khi có dịp, anh đến thăm tôi. Tôi mời anh vào thiền đường ngồi thiền với tôi. Tôi đặt cho anh pháp danh là Thanh Lương, có nghĩa là “tinh khiết và tươi mát.” Tôi dạy cho anh tiếng Việt, anh chỉ biết được vài câu, học trong quân đội. Sau vài tháng, chúng tôi đã có thể trao đổi với nhau một chút bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Anh ta kể rằng anh không còn làm những cuộc đột kích như trước đây nữa và tôi đã chia sẻ được nỗi buồn của anh. Mỗi khi nhận được lá thư nào từ gia đình, anh đều đem đến cho tôi xem. Và lần nào gặp tôi, anh cũng chắp tay xá chào.

Một ngày nọ, chúng tôi mời Thanh Lương đến ăn cơm chay tại chùa. Anh ta rất hạnh phúc nhận lời mời và hết sức ca ngợi những quả bùi ngon lành cũng như những món ăn đầy hương vị mà chúng tôi đãi. Anh khen món cháo nấm hương sư huynh tôi nấu ngon tuyệt vời và không thể tin được đó là thức ăn chay. Tôi phải giải thích cho anh cách chế biến cặn kẽ để anh tin.

Có những ngày ngồi bên cạnh tháp chuông, chúng tôi cùng nhau thảo luận một cách tương đắc về những vấn đề tâm linh và văn chương. Khi tôi ca ngợi văn học Pháp, mắt Thanh Lương sáng lên đầy tự hào về văn hóa của đất nước anh. Tình bạn của chúng tôi càng ngày càng sâu sắc.

Rồi đến một ngày, khi đến thăm, Thanh Lương cho tôi biết đơn vị của anh sẽ chuyển đến một vùng khác và có lẽ anh sẽ sớm được trở về Pháp.

Tôi đưa anh ra đến cổng tam quan và chúng tôi ôm tiễn biệt nhau. “Tôi sẽ viết thư cho thầy,” anh nói.

“Tôi rất mừng nếu nhận được thư của anh và sẽ hồi âm cho anh.”

Một tháng sau, tôi nhận được thư của anh báo tin là anh sẽ trở về Pháp để đi Algeria. Anh hứa khi nào đến đó sẽ viết thư cho tôi. Nhưng từ lúc đó, tôi không còn nghe tin tức gì về anh nữa. Có ai biết bây giờ Thanh Lương đang ở đâu không? Có được an toàn không? Tôi biết rằng, khi tôi gặp anh vào lần cuối, anh rất bình an.

Sống tĩnh lặng
Sự tĩnh lặng có thể thay đổi hoàn toàn một con người – Sống tĩnh lặng

Cái giây phút im lặng sâu sắc trong chùa ngày hôm ấy đã thay đổi anh. Anh đã mang sự sống của tất cả các loài hữu tình vào trong trái tim anh, đồng thời thấy được tính chất vô nghĩa và hoại diệt của chiến tranh. Điều làm cho mọi sự trở nên có thể là dừng lại hoàn toàn và mở ra một đại dương kỳ diệu hùng tráng, có công năng trị liệu, mà ta gọi là sự tĩnh lặng.

Những câu nói hay của Thiền Sư Thích Nhật Hạnh

Thông qua những câu nói giàu tính triết lý của Thiền Sư Thích Nhất hạnh. Chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm, nó sẽ giúp ta có cuộc sống an yên và tĩnh lặng.

1. “Tĩnh lặng là điều cốt lõi. Chúng ta cần tĩnh lặng như chúng ta cần không khí, như cái cây cần ánh sáng mặt trời. Nếu tâm trí của chúng ta luôn chứa đầy những toan tính và lo lắng thì chúng ta chẳng thể tìm được một khoảng trống cho chính mình”.

2. “Mỗi sáng thức dậy tôi lại mỉm cười và hai mươi tư tiếng hạnh phúc sẽ ở ngay trước mắt tôi. Tôi nguyện sống trọn vẹn ý nghĩa cho từng giây và nhìn mọi điều bằng ánh mắt nhân ái”.

3. “Sự giác ngộ luôn hiện hữu trong tâm trí của mỗi người. Những giác ngộ nhỏ bé sẽ mang tới sự giác ngộ lớn lao. Nếu bạn hít thở và nhận ra mình vẫn đang sống, đó cũng là lúc bạn chạm tay vào điều kì diệu của việc được sống và yêu thương mỗi ngày. Đó cũng là một loại giác ngộ”.

4. “Con người sẽ luôn đau khổ vì bị mắc kẹt trong những quan điểm cá nhân khác nhau. Chỉ khi nào giải phóng được những quan điểm đó thì chúng ta mới được tự do và hạnh phúc”.

5. “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể trao tặng cho những người xung quanh. Thấu hiểu cũng chính là tên gọi khác của sự yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu và cảm thông cho người khác bạn cũng sẽ chẳng yêu thương được chính mình”.

6. “Nếu chúng ta tin ngày mai sẽ tốt đẹp hơn thì hôm nay chúng ta sẽ sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn và đau khổ”.

7. “Hãy bước đi như thể bạn đang hôn trái đất bằng chính đôi chân của mình”.

8. “Khi một người làm bạn tổn thương, trong sâu thẳm đâu đó chính họ cũng đang bị nỗi đau khổ ngự trị. Họ không đáng trách, họ cần sự bao dung và giúp đỡ từ bạn”.

9. “Hạnh phúc là khi chúng ta được sống đúng với chính mình. Bạn không cần người khác phải thừa nhận điều đó, chỉ cần bạn hiểu và hạnh phúc là đủ đầy”.

10. “Mỗi ngày của bạn vẫn luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Chỉ cần bạn sống chậm lại, để tâm một chút bạn sẽ nhìn thấy những điều tốt đẹp này”.

11. “Chúng ta luôn đau khổ là vì những thành kiến và mẫu thuẫn. Khi nhìn cuộc sống bằng ánh mắt cởi mở hơn, chúng ta sẽ được tự do, bình yên và chẳng còn khổ đau nữa”.

12. “Cội nguồn của tình yêu nằm sâu trong mỗi chúng ta. Vì vậy, chúng ta có thể mang niềm vui và hạnh phúc tới cho người khác. Mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi suy nghĩ của chúng ta có thể mang đến sự đau khổ hay hạnh phúc cho mọi người”.

Tài liệu tham khảo:

– Sách Tĩnh Lặng (Thích Nhất Hạnh)

– Quán Tâm Từ

– Tổng hợp

Bạn có thể đọc thêm:

Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích. Bạn hãy chia sẻ bài viết này đến bạn bè, người thân để họ cùng phát triển bản thân mình ngày một tốt hơn!

Ngạn ngữ Gruzia đã dạy rẳng:

Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc

Ý thức được giá trị kỳ diệu mà tri thức mang lại, chúng tôi lập ra blog này với mục tiêu chia sẻ 2.000 cuốn sách hay, 2.000 bài học và những tư duy mà tôi biết và trải nghiệm được trong cuộc sống. Tôi tin tưởng mạnh mẽ sách sẽ giúp chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sách hoàn toàn có thể biến một người bình thường trở nên phi thường.

Lòng biết ơn có thể làm tất cả những ngày thường thành lễ tạ ơn, làm các công việc thường ngày thành niềm vui và thay đổi cơ hội bình thường thành phước lành” (William Arthur Ward)

Hãy biết ơn những gì đang có và bạn sẽ nhận được nhiều hơn…

Nếu bạn nhận được những giá trị tốt đẹp từ chúng tôi, hãy ủng hộ chúng tôi hoàn thành dự án này trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi tin rằng dự án này sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ VN.

Một con én không làm nên mùa xuân, hãy chung tay cùng chúng tôi để lan tỏa tri thức đến mọi người.

ỦNG HỘ CHÚNG TÔI BẰNG NHỮNG CÁCH SAU:

1. ỦNG HỘ QUA TÀI KHOẢN PAYPAL

Paypal: phamgiangit@gmail.com

2. CHUYỂN KHOẢN QUA VIETCOMBANK

Số TK: 0721005116323
Ngân Hàng Vietcombank
Tên TK: Phạm Trường Giang

3. CHUYỂN KHOẢN QUA ACB

Số TK: 205849459
Ngân hàng ACB
Tên TK: Phạm Trường Giang

Nguyện cầu cho bạn và gia đình luôn khỏe mạnh, tràn ngập tiếng cười, sự bình an, hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống.

Tags: #Đạo lý tịnh tâm #Giá trị của sự tĩnh lặng #Lời Phật dạy tĩnh tâm #Một góc tĩnh lặng #Người tĩnh lặng #Những lời khuyên để tĩnh tâm #Nước sâu tĩnh lặng người khôn kiệm lời #Phật Pháp Tịnh Tâm #sống tĩnh lặng #sự tĩnh lặng #Sự tĩnh lặng suy tư là gì #Sự tĩnh lặng trong tâm hồn #sức mạnh của sự tĩnh lặng #tâm thái tĩnh lặng #tâm tĩnh lặng #Tâm tĩnh lặng là gì #tĩnh lặng bình an #tĩnh lặng cuộc đời #tĩnh lặng như nước #Tĩnh tâm trong cuộc sống #Vẻ đẹp của sự tĩnh lặng suy tư trong cuộc sống con người

2 thoughts on “Sống tĩnh lặng

Post Comment