Mục Lục Chính
- 1. Kỹ năng tự học là kỹ năng vua
- 2. Vì sao chúng ta nên tự học?
- 2.1. Chúng ta có thể tự học những gì?
- 2.2. Rèn kỹ năng tự học giúp trở nên giỏi kỹ năng nhanh với chi phí cực rẻ
- 2.3. Rèn luyện tự học giúp chúng ta trở nên vượt trội
- 2.4. Một nền giáo dục thuận tự nhiên, vượt bậc và xóa nhòa bằng cấp
- 2.5. Rèn luyện tự học giúp ta làm chủ nội tâm, hoàn thiện bản thân
- 3. Các phương pháp tự học hiệu quả
- 3.1. Thiết lập kế hoạch và mục tiêu
- 3.2. Phương pháp tự học
- 3.3. Tự học đòi hỏi sự kiên trì
- 3.4. Tìm tài liệu
- 3.5. Chọn lọc, tổng hợp kiến thức
- 3.6. Sử dụng tiếng Anh để tự học
- 3.7. Ghi chép và ghi chú khi tự học
- 3.8. Kỷ luật khi tự học
- 3.9. Hiểu sâu và ôn lại kiến thức
- 3.10. Tổng kết lại theo kế hoạch và mục tiêu
- 3.11. Thực hành kiến thức đã học
- 3.12. Cách nhớ lâu kiến thức khi tự học
- 3.12.1. Phương pháp học nhớ lâu và hiệu quả
- 3.12.2. Một số cách khác để chúng ta có một trí nhớ tốt
- 4. Tấm gương tự học của Bác Hồ
- 4.1. Tự học kiên trì, bền bỉ
- 4.2. Học cao, hiểu rộng để phát triển đất nước
- 5. Những tấm gương sáng tự học trên thế giới
- 5.1. Tấm gương tự học: Abraham Lincoln
- 5.2. Tấm gương tự học: Henry Ford
- 5.3. Thomas Edison là tấm gương sáng về lòng kiên trì và tự học
- 6. Những phẩm chất được rèn luyện qua việc tự học
- 7. Tổng kết
Kỹ năng tự học hỏi và rèn luyện bản thân là kỹ năng vô cùng quan trọng để trau dồi bản thân mỗi ngày và vươn đến thành công. Tinh thần khát khao học tập suốt đời giúp trí tuệ rộng mở và có thể biến một người bình thường trở nên phi thường.
1. Kỹ năng tự học là kỹ năng vua
Tôi vô cùng tâm đắc với câu nói của Will Rogers: “Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình”.
Cách dễ dàng nhất để phát triển toàn diện bản thân chính là tự học. Không ai có thể lấy đi những tri thức mà ta đã biết.
Sự học là việc cả đời người. Vì vậy chúng ta cần kiên nhẫn rèn luyện kỹ năng tự học mỗi ngày. Khi chúng ta tự học hỏi và biến nó thành một thói quen. Nó đồng nghĩa với việc chúng ta đang hút mọi tinh hoa của nhân loại về mình. Còn điều gì tuyệt hơn thế?
Như Hồ Chí Minh, học tập chính là một nhu cầu, nguồn sống mà ngay từ thời trẻ đến mãi sau này, trải qua bao năm tháng, Người vẫn thường xuyên học tập không chút lơ là. Bác Hồ là tấm gương sáng chói lọi về tinh thần tự học, kiên trì và vượt khó.
Chúng ta hoàn toàn có thể học mọi thứ trên đời này. Việc tự học giúp chúng ta từ một người không có tri thức về lĩnh vực nào đó để có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này.
Malcolm Gladwell – 10,000 giờ là con số kỳ diệu của sự vĩ đại. Ông đã chỉ ra rằng 10,000 giờ “luyện tập có chủ đích” là điều kiện cần thiết để trở thành bậc thầy đẳng cấp thế giới trong mọi lĩnh vực. (Những kẻ xuất chúng: Câu chuyện thành công xuất bản năm 2008 của Malcolm Gladwell).
Qua các phân tích trên, chúng ta có thể nói rằng: Kỹ năng tự học là kỹ năng vua. Chúng ta hãy rèn kỹ năng tự học này mỗi ngày.
2. Vì sao chúng ta nên tự học?
Chúng ta không cần ai cho phép để học bất kỳ điều gì bạn muốn. Bạn có thể trở thành bất kỳ thứ gì mà bạn muốn.
2.1. Chúng ta có thể tự học những gì?
- Một doanh nghiệp hoành tráng – Tự học tập
- Một người chơi guitar hay đến ngất ngây – Tự học
- Một cơ thể vạm vỡ tráng kiện – Tự học và rèn luyện
- Kiếm thật nhiều tiền – Tự học
- Một tâm hồn rộng mở – Tự học và rèn luyện
- Đi du lịch khắp thế giới – Học
- Xây dựng vô số mối quan hệ tích cực, tuyệt vời giúp bạn thành công và hạnh phúc – Học và kiên nhẫn thực hiện
- Vô vàn thứ hay ho khác có thể làm được từ tự học…
Kiên nhẫn tự học sẽ nâng cuộc sống của chúng ta từ trạng thái vô vị lên hàng triệu màu sắc sinh động. Cuộc sống luôn khiến bạn mỉm cười, nếu bạn luôn tin vào bản thân mình. Không bao giờ sợ quá muộn để bắt đầu bất kì một điều gì.
2.2. Rèn kỹ năng tự học giúp trở nên giỏi kỹ năng nhanh với chi phí cực rẻ
Tự học là một việc cực kỳ thù vị, vì tự học sẽ giúp chúng ta phá bỏ mọi khuôn khổ, thỏa sức sáng tạo, không bị bất cứ ai, bất cứ điều gì làm rào cản (thay vì đi học thì bị thầy cô bắt phải làm theo ý, theo bài giảng…). Và vì vậy nên chúng ta RẤT DỄ PHÁT TRIỂN, và phát triển rất nhanh.
Việc tự học cũng giúp chúng ta RA KẾT QUẢ nhanh hơn bình thường. Điều mà bất cứ doanh nghiệp hoặc người chủ nào cũng mong muốn.
Việc tự học là việc mà chúng ta tự giác, không bị ai thúc đây. Chúng ta học bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, không bị giới hạn thời gian, và việc tự học cũng rất thực tế vì chúng ta quan sát, đúc kết từ mọi thứ.
2.3. Rèn luyện tự học giúp chúng ta trở nên vượt trội
Nếu chúng ta kỷ luật bản thân rèn luyện tinh thần tự học, chúng ta sẽ không bao giờ sợ một điều gì mới. Mọi thứ bạn chưa giỏi là vì chưa học chứ không phải do “bẩm sinh”.
“Tôi luôn giữ quan điểm cho rằng ngoại trừ những kẻ quá ngu ngốc, con người không khác nhau nhiều về năng lực trí tuệ mà chỉ khác nhau ở lòng nhiệt huyết và sự chăm chỉ mà thôi” ( Charles Darwin )
2.4. Một nền giáo dục thuận tự nhiên, vượt bậc và xóa nhòa bằng cấp
“Nhà trường cho ta chiếc chìa khóa của tri thức, học tập trong cuộc sống chính là công việc cả đời“. (Bill Gates)
“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học“. (Tục ngữ Nga)
“Điếc, nhưng không phải là không biết gì, bởi còn có thể đọc được sách báo. Điếc thực sự là không chịu học hỏi người khác“. (Ngạn ngữ Do Thái)
Kỹ năng tự học là một nền giáo dục tự nhiên mà Thượng Đế đã ban tặng cho con người. Kỹ năng tự học giống như hơi thở. Nó như việc thời kỳ tổ tiên của chúng ta phải đi săn, hái lượm để sống. Tự học như việc chúng ta thấy nguy hiểm đến sinh mạng thì phải tìm cách cứu lấy bản thân.
Bằng cấp cung cấp cho chúng ta tri thức trong một lĩnh vực, kỹ năng nào đó. Tôi không phủ nhận giá trị tri thức mà bằng cấp mang lại. Trước kho tàng tri thức lớn lao của nhân loại, việc tự học dường như xóa nhòa bằng cấp.
Câu hỏi trị giá hàng triệu đô mà chúng ta nên hỏi bản thân: Chúng ta muốn học cái gì và sẽ học như thế nào?
2.5. Rèn luyện tự học giúp ta làm chủ nội tâm, hoàn thiện bản thân
“Hễ mà ghi nhớ được nhiều lời nói và việc làm của người xưa thì ứng dụng vào tâm tư được chính xác, ứng dụng vào sự việc được thích nghi. Như thế gọi là học“. (Lê Quý Đôn)
“Những điều ta biết là có hạn, những điều ta không biết là vô hạn“. (Lapatxơ)
Người rèn luyện được khả năng tự học sẽ có tâm thái vui vẻ, yên bình và tĩnh lặng. Những người này nội tâm vô cùng sâu sắc, khoáng đạt, phong phú và mạnh mẽ.
“Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc” (Ngạn ngữ Gruzia).
3. Các phương pháp tự học hiệu quả
3.1. Thiết lập kế hoạch và mục tiêu
Khi làm bất cứ điều gì chúng ta đều cần lên kế hoạch và mục tiêu rõ ràng. Mọi chuyện có rõ ràng thì mới dễ dàng.
Với một bản kế hoạch học tập được xây dựng khoa học. Nó sẽ giúp chúng ta xác định được khối kiến thức mà bạn cần phải trau dồi, phân bổ thời gian cho từng loại kiến thức cụ thể.
Bằng việc lập kế hoạch và mục tiêu tự học. Chúng ta sẽ thiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quá trình tự học.
Bên cạnh đó, bạn cần phải có một mục tiêu cụ thể. Bạn phải hiểu rất rõ chúng ta cần học gì, mong muốn đạt kết quả gì, những loại kiến thức bạn học sẽ phục vụ vào công việc gì. Khi đó, chúng ta sẽ chủ động học và tự học để có đủ kiến thức chinh phục mục tiêu của mình.
3.2. Phương pháp tự học
Chúng ta có thể tự học bằng nhiều phương pháp khác nhau:
- Các hệ thống học điện tử (e-learning)
- Tự học từ sách giấy
- Tự học từ sách dạng file mềm
- Tự học từ các mạng xã hội (social learning)
- Từ Internet
- Học từ người khác
- Và vô số cách khác
Mỗi người có tư duy và cách tiếp nhận tri thức khác nhau. Mỗi người sẽ có một cách học khác nhau. Vì vậy, bạn có thể thử để tìm ra phương pháp tự học yêu thích và phù hợp nhất với bản thân.
3.3. Tự học đòi hỏi sự kiên trì
Tìm cho mình một phương pháp học phù hợp đòi hỏi bạn cần nhẫn nại. Bạn đừng vội nản chí, lo lắng khi đã bỏ ra quá nhiều thời gian nhưng kết quả thu lại không được bao nhiêu.
Bạn hãy thay đổi phương pháp học nó không mang lại hiệu quả. Bởi việc tự học không phải là ngày một một sớm một chiều mà là “học nữa, học mãi”.
Tự học là một việc rất khó, chúng ta phải đọc hàng chục cuốn sách, chúng ta phải xem hàng trăm video, follow hàng chục chuyên gia… mà để làm được điều đó thì phải rất kiên trì.
3.4. Tìm tài liệu
Lựa chọn tài liệu ở dạng phù hợp với việc tiếp thu của bạn (sách báo, audios, videos …).
Tuy nhiên không phải ai cũng có kỹ năng tìm kiếm tài liệu nhanh và chính xác, vì thế bạn cũng cần rèn luyện cho mình kỹ năng này.
Việc này chỉ khó khi bạn mới bắt đầu, khi đã quen bạn sẽ dễ dàng tìm được các thông tin cần thiết để bổ sung thêm vào kho kiến thức của mình.
3.5. Chọn lọc, tổng hợp kiến thức
Chúng ta cần biết cách chọn lọc những thông tin, kiến thức quan trọng, cần thiết và ghi nhớ lại chúng.
Bạn có thể chọn lọc kiến thức thông qua hai yếu tố sau:
- Đặt câu hỏi (VD: Vấn đề này trình bày như vậy có hợp lý. Tại sao nó lại như vậy? Ngoài cách giải quyết này thì còn cách nào hay không? Vì sao lại có kết luận này? Những kiến thức này có thực tế không? Nó có ứng dụng được cho công việc hiện tại không? …)
- Khả năng tư duy logics tốt
- Khả năng tổng hợp thông tin, kiến thức mang tính hệ thống
Kỹ năng chọn lọc và tổng hợp kiến thức là một quá trình đòi hỏi rèn luyện dài lâu. Trong quá trình học những kiến thức cụ thể khác, kỹ năng này sẽ có cơ hội được sử dụng và rèn luyện và phát triển dần dần.
3.6. Sử dụng tiếng Anh để tự học
Tiếng Anh là ngôn ngữ mang tính toàn cầu. Kho tàng tri thức là của toàn nhân loại. Đa phần những kiến thức mới nhất, hay nhất đều có trong tiếng Anh trước khi nó có trong tiếng Việt.
Vì vậy, nếu chúng ta chỉ tìm kiếm tri thức bằng tiếng Việt. Chúng ta sẽ bỏ lỡ những kiến thức rất hay có trong tiếng Anh. Dĩ nhiên, lượng tri thức mà bạn khai thác được từ tiếng Anh là vô cùng khổng lồ.
Biết đọc, hiểu, nghe được tiếng Anh là một lợi thế vô cùng to lớn trên con đường tự học và trau dồi kiến thức. Sử dụng tiếng Anh gần như là một phần thiết yếu của cuộc sống. Vì vậy, chúng ta hãy tìm cách học và sử dụng được tiếng Anh từ bây giờ.
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ. Chúng ta có thể tiếp cận với tri thức của toàn nhân loại dễ dàng khi sử dụng được tiếng Anh trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
3.7. Ghi chép và ghi chú khi tự học
Chúng ta không thể nhớ hết tất cả mọi thứ. Nhờ vào ghi chép, khi cần chúng ta có thể xem lại và nhớ về điều mình đã học.
Ghi chú ngắn sẽ tốt hơn là viết tất cả mọi điều ghi được. Cách này giúp bạn “lưu trữ” những kiến thức đã học thông qua các từ khóa.
Tôi có thói quen hay ghi lại mọi thứ vào một quyển sổ. Theo tôi, ghi chép bằng tay sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn và rèn luyện thêm chữ viết của mình. Bạn có thể áp dụng cách học này cho mình.
3.8. Kỷ luật khi tự học
Hãy rèn luyện cho mình tính kỷ luật khi học trên lớp cũng như lúc tự học.
Ngồi tại bàn để học. Chúng ta hãy tìm một nơi không khí thoáng đãng, sắp xếp bàn ghế và ngồi thẳng lưng, nghiêm túc tự học tập tại đây.
Bạn không thể nằm trên giường để học. Vì sao? Vì giường là nơi để ngủ, chúng ta sẽ mất tập trung trong lúc học và có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
Khi học tập bạn hãy dành toàn bộ tâm trí, tập trung cao độ, không xao nhãng. Nhờ vào tập trung, thấu kính hội tụ có thể khiến ánh sáng đốt cháy một vật.
Đừng tập cho mình những thói quen xấu khi học, nếu không những thói quen này sẽ theo bạn ở bất kỳ hoàn cảnh nào trong đời sống cũng như công việc. Hãy kỷ luật khi học, đó cũng là cách tốt nhất để bạn rèn luyện tính kỹ luật cho bản thân mình sau này.
Tự kỷ luật bản thân chính là một sức mạnh tuyệt vời!
3.9. Hiểu sâu và ôn lại kiến thức
Đây là hai kỹ năng bạn cần rèn luyện để việc học và tự học của bạn đạt hiệu quả cao nhất.
Việc hiểu sâu những kiến thức sẽ giúp bạn luôn nhớ và biết cách áp dụng chúng vào từng hoàn cảnh như thế nào cho phù hợp.
Cổ nhân đã dạy “văn ôn, võ luyện” để ám chỉ muốn làm việc gì đó thành thạo thì cần phải có sự thực hành và luyện tập thường xuyên.
Ngoài ra bạn cũng cần thường xuyên ôn lại những gì đã học, nếu không những gì bạn đã học được sẽ dần bị lãng quên theo thời gian. Đừng chủ quan nghĩ rằng bạn vẫn nhớ như in những gì đã học được, nếu không bạn sẽ phải ân hận đấy.
3.10. Tổng kết lại theo kế hoạch và mục tiêu
Sau một thời gian tự học theo kế hoạch đã vạch ra. Chúng ta hãy xem lại kết quả đã thu được. Nếu cảm thấy chưa hài lòng, chúng ta cần kiên nhẫn và nỗ lực hơn nữa cho việc học.
3.11. Thực hành kiến thức đã học
Học phải đi đôi với hành. Chúng ta phải thực hành những gì chúng ta đã học để áp dụng kiến thức vào thực tế, không còn là lý thuyết suông nữa.
Thực hành kiến thức đã học đòi hỏi sự nỗ lực từ mỗi cá nhân, không ai có thể làm thay cho bạn.
Đây là lúc chúng ta thấy được kết quả thực tế từ kiến thức đã học áp dụng vào trong công việc, cuộc sống. Những kết quả thực tế này sẽ mang lại nhiều bài học vô cùng quý giá cho cuộc sống của bạn.
Bạn hãy ghi chú lại việc thực hành này. Vì đôi lúc chúng ta cần xem lại chúng.
3.12. Cách nhớ lâu kiến thức khi tự học
Ngoài việc hiểu sâu và ôn lại kiến thức, thực hành kiến thức đã học. Để nhớ lâu kiến thức đã học, chúng ta có thể tham khảo những cách bên dưới.
3.12.1. Phương pháp học nhớ lâu và hiệu quả
- Người sẽ nghe và nhớ lâu
- Người sẽ viết lại kiến thức học được ra giấy
- Người sẽ đọc thành tiếng
- Người sẽ đọc thầm
- Hệ thống lại kiến thức đã học
- Dùng hình ảnh để gợi nhớ
- Dùng sơ đồ tư duy để nhớ lâu
- Người sẽ liên tưởng
- Người sẽ cảm nhận.
- Chia sẻ kiến thức đã trải nghiệm và tạo kết quả tốt với người khác
- …
Mỗi người sẽ có cách ghi nhớ khác nhau. Chúng ta có thể lựa chọn phương pháp cảm thấy phù hợp nhất với bản thân.
3.12.2. Một số cách khác để chúng ta có một trí nhớ tốt
- Ăn thức ăn tốt cho não, tăng cường trí nhớ: Bơ, các loại quả mọng, cá béo, các loại hạt, bông cải xanh, trứng, trà xanh, cam, …
- Các bài tập tăng cường trí nhớ: Ngủ đủ giấc, chơi đánh cờ, chơi guitar, chơi piano, chơi ghép hình, nghe nhạc, tập thể dục, học ngoại ngữ, học kỹ năng mới, học nhảy hoặc khiêu vũ, học thiền, yêu thương và tha thứ cho người khác,…
4. Tấm gương tự học của Bác Hồ
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời của sự siêng năng học tập, cần cù tự học để vượt khó, vươn lên giúp ích cho bản thân và làm nên lịch sử huy hoàng cho dân tộc Việt Nam.
Người đã giữ vững tinh thần và ý chí học tập không ngừng trong suốt cuộc đời. Đây là di sản quý báu Người để lại cho những thế hệ người Việt hôm nay và mai sau học tập, noi theo, tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
4.1. Tự học kiên trì, bền bỉ
Mang trong mình dòng máu quê hương anh hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có chí “đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”. Ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ Cảng Sài Gòn, Người bắt đầu cuộc hành trình dài 30 năm để tìm đường giải phóng đất nước.
Với trí tuệ hơn người và khả năng cảm nhận sáng suốt qua quá trình tự suy ngẫm và đúc rút, người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đó đã quyết định đến Pháp – đất nước phát triển vào bậc nhất châu Âu, để tự đúc rút cho mình tư duy và hành động, đó là muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp.
Trong gần mười năm ở Pháp, Bác đã tự học, tự tích lũy được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu, hữu ích cho lý tưởng cách mạng của mình. Sau một thời gian tự học miệt mài, có được trình độ hiểu biết sâu rộng, khả năng ngoại ngữ thông thạo.
Nguyễn Tất Thành rồi sau này là Nguyễn Ái Quốc (từ năm 1919) đã viết báo và trở thành nhà báo có tiếng ở Paris, là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ). Đỉnh cao có thể kể đến tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” – lời tuyên ngôn đanh thép chống áp bức, bóc lột của nhà cầm quyền Pháp, thể hiện một ngòi bút sắc bén, một trình độ lý luận sâu sắc, là thành quả lớn lao của quá trình tự học của Bác.
Để làm phong phú hơn nhãn quan chính trị của mình, Người không chỉ dừng chân ở Pháp mà còn đến Italia, Đức, Thụy Sĩ, Anh… để học hỏi, mở mang tầm mắt và bổ trợ cho những kiến thức đọc trong sách vở.
Đặc biệt, Người đã đặt chân đến Liên Xô, đất nước rộng lớn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Trong thời gian ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã tự học tiếng Nga, tham gia viết báo, làm việc ở Bộ Phương Đông.
Bằng khả năng học hỏi không ngừng, Người đã hoàn thành chương trình học tập ở Trường Quốc tế Lênin và nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc học và thuộc địa.
Trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, Bác đã phải trải qua nhiều gian truân, chông gai mà một người bình thường khó có thể vượt qua.
Việc làm thơ trong những ngày bị giam giữ trong nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch và cả tinh thần cách mạng luôn kiên trung ngời sáng để tiếp tục dẫn dắt phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở trong nước cũng chính là kết quả của quá trình tự học nghiêm túc, sự gian lao khổ luyện và trau dồi bản thân một cách có kế hoạch, khoa học và bền bỉ, kiên trì đến cùng của Người.
Bác Hồ đã dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể”; “Học phải có ý chí quyết tâm để phục vụ nhân dân, chứ không phải học để thăng quan, tiến chức”.
Đối với Bác, học tập chính là một nhu cầu, nguồn sống mà ngay từ thời trẻ đến mãi sau này, trải qua bao năm tháng, Người vẫn thường xuyên học tập không chút lơ là.
Cho đến khi tuổi cao, sức yếu, Bác vẫn không ngừng đọc, học, không ngừng tiếp thu cái hay, cái mới, cái có ích cho bản thân và đất nước. Dù đã ở ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy”, nơi Bác làm việc và nơi ở đều luôn nhiều sách báo, tài liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng, “giặc dốt” đáng sợ không kém gì “giặc đói”. Con đường để Việt Nam tiến lên, để non sông gấm vóc được tươi đẹp trường tồn chỉ có thể là con đường của khoa học, của tri thức.
Biết người, hiểu người – biết ta, hiểu ta, thì mới có thể đánh thắng được kẻ thù, mới giữ vị thế chủ động trên bàn đàm phán, mới có sức mạnh tuyệt đối để đi đến ngày thống nhất nước nhà.
4.2. Học cao, hiểu rộng để phát triển đất nước
Thời gian trôi qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn đang lan tỏa, trở thành kim chỉ nam và triết lý cách mạng cao cả, đúng đắn cho các thế hệ tiếp nối.
Người đã góp phần tạo nên mốc son và dấu ấn lịch sử huy hoàng của dân tộc trong thế kỷ XX, mở ra thời đại mang tên Hồ Chí Minh, góp phần làm rạng rỡ non sông và là niềm cảm hứng về con đường tự học, tinh thần tự học cho đến tận hôm nay.
Có thể thấy rằng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời đấu tranh, là sự nghiệp cách mạng, là nỗi khát khao mãnh liệt làm cho nước mạnh, dân giàu.
Người luôn lấy mình làm tấm gương mẫu mực về thái độ học tập nghiêm túc, ý thức tự học thường trực, sự cầu tiến trong học hỏi; lấy đó là nguồn gốc, căn bản để nâng cao trình độ bản thân và ảnh hưởng, lan tỏa tới người khác.
Tấm gương tự học của Người không chỉ ở tinh thần, thái độ cầu tiến trong học tập mà còn thể hiện ở tư duy học tập nghiêm túc, có nền tảng, có tính khoa học; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, có phương thức hành động rõ ràng, có sự kiên trì, bền bỉ, có nỗ lực sáng tạo đổi mới, được nâng tầm thành một triết lý nhân sinh và nghệ thuật rèn luyện.
Con đường tự học và tinh thần học tập của Bác đã và luôn là bài học quý cho mỗi người Việt Nam hiện nay.
Tự học là cần thiết, nhưng tự học ra sao lại vô cùng quan trọng. Bác cho rằng, phải căn cứ vào trình độ nhận thức, công việc đang đảm nhiệm và vị trí của bản thân để lựa chọn những điều cơ bản, thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác đang đảm nhiệm hoặc nhu cầu của mình để học.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu ý thái độ khiêm tốn trong học tập là rất quan trọng. Càng học cao, hiểu rộng, biết nhiều thì càng cần sự khiêm nhường, đúng mực.
Bác dạy: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”.
Bác nhấn mạnh:
“Tính khiêm tốn yêu cầu người ta không được thỏa mãn với vốn kiến thức và thành tích đã đạt được. Trong khi học phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng.
Đọc tài liệu phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ.
Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi vì sao, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem có hợp với thực tế không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”.
Việt Nam muốn trở thành một nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, ngoài những nỗ lực hành động trên mọi lĩnh vực, phương diện thì tinh thần học tập, đổi mới sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức đóng vai trò then chốt.
Tấm gương tự học của Bác và ý nghĩa đối với bản thân: Mỗi người phải trau dồi cho bản thân tinh thần tự học, tinh thần học tập theo gương Bác, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
5. Những tấm gương sáng tự học trên thế giới
5.1. Tấm gương tự học: Abraham Lincoln
Abraham Lincoln là vị Tổng thống thứ 16 trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, cha mẹ ông là những nông dân mù chữ. Ông không có điều kiện đi học chính thức.
Thời gian theo học thực sự của ông có lẽ chỉ kéo dài 18 tháng do các giáo viên không chuyên nghiệp dạy.
Kiến thức của ông chủ yếu có được từ việc tự học qua việc đọc mọi cuốn sách có thể mượn được, từ Kinh Thánh, đến các sách tiếu sử, và sách văn chương.
Ông thông thạo Kinh thánh, các tác phẩm của William Shakespeare, lịch sử Anh và lịch sử Mỹ, ngoài ra ông còn học được phong cách trình bày giản dị trước thính giả.
Ông dành nhiều thời gian đọc sách đến nỗi những người hàng xóm cho rằng ông cố tình làm vậy để khỏi phải làm những công việc chân tay nặng nhọc.
Lincoln nổi tiếng nhất với vai trò gìn giữ Hợp chủng quốc và chấm dứt chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ với bản Tuyên ngôn Giải phóng và Sửa đổi thứ mười ba của Hiến pháp Hoa Kỳ về việc bác bỏ̉ chế độ nô lệ.
5.2. Tấm gương tự học: Henry Ford
Bạn có biết những chiếc xe hơi đẹp đẽ và đắt tiền hiện nay là bắt nguồn từ đâu không nhỉ?Đó chính là nhờ tinh thần tự học hỏi tìm tòi của một người đàn ông với cái tên Henry Ford người đã phát minh ra chiếc xe hơi đầu tiên.
Thuở nhỏ luôn tìm cách đối phó với việc học. Thay vào đó lại là niềm đam mê tìm tòi tự học đối với cơ khí. Cha mẹ của ông đã rất lo lắng khi con trai cứ không xem sách vở là bạn thân. Mà lại mãi miết sửa chữa những chiếc máy móc cũ trong nhà.
Năm ông mười hai tuổi, ông đã bắt chước chế tạo được một máy nhỏ chạy bằng hơi nước.
Năm hai mươi tám tuổi, khi là một công nhân điện ông quyết tâm theo đuổi chinh phục phát minh máy nổ của người Đức.
Thành công đã tới với người kiên trì bền bỉ, 5 năm sau chiếc xe hơi đầu tiên của thế giới chào đời. Tuy nó cao lồng cồng, không mui, không thắng và chạy dật lùi được, tốc độ tối đa 30 km/giờ.
Chỉ ít năm sau đó ông đã thành lập được Công ty xe hơi Detroit rồi Công ty xe hơi Cadillac.
Dù không được học hành một cách bài bản. Thế nhưng, những kiến thức tự học của ông lại chẳng thua kém một ai vì nó đến từ lòng đam mê. Và cộng thêm việc sở hữu khả năng lãnh đạo tuyệt vời của mình. Những mẫu xe hơi của ông đã không ngừng cải tiến và đạt doanh thu khủng trên toàn thế giới.
5.3. Thomas Edison là tấm gương sáng về lòng kiên trì và tự học
Với khoảng 1.093 bằng sáng chế mang tên mình, Thomas Edison chính là nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại, làm thay đổi đời sống nhân loại.
Tuy nhiên, có mấy ai biết được rằng thuở còn đi học, các giáo viên dạy Edison đã cho rằng ông “quá ngu ngốc nên không thể học bất cứ điều gì”; do đó, mẹ của ông đã quyết định là sẽ tự nuôi nấng, dạy dỗ ông nên người.
Thomas Edison đã làm thí nghiệm đến 10.000 lần, và đều thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn điện, mang đến cuộc cải cách cho lịch sử nhân loại. Ông là tấm gương sáng về sự bền bỉ, kiên trì mà chúng ta có thể học tập và noi theo.
6. Những phẩm chất được rèn luyện qua việc tự học
Thông qua việc tự học tập, chúng ta có thể rèn luyện được vô số phẩm chất quý giá:
- Tính kỷ luật
- Sự kiên nhẫn
- Rèn luyện ý chí, nghị lực vượt khó
- Rèn luyện đạo đức
- Tự học chính là phương pháp hữu ích nhất dể nhanh chóng tiếp cận được nhiều tri thức hơn. Tự học làm cho trí tuệ mở mang.
- Tự học rèn luyện tính chủ động, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu. Nó giúp chúng ta phát triển khả năng độc lập trong tư duy, hành động.
- Người chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức sẽ thích nghi cao, linh hoạt trong mọi hoàn cành, tự làm chủ được suy nghĩ và cuộc sống của mình.
- Người có ý thức tự học sẽ tự nhận biết, tự ý thức ưu nhược điểm của mình, tự khắc phục và hoàn thiện bản thân.
Tự học chính là yêu quê hương, đất nước. Vì quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người. Học và tự học để áp dụng vào cuộc sống. Từ đó chúng ta sẽ góp phần phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
Bài thơ Bài Học Đầu Cho Con của nhà thơ Đỗ Trung Quân được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thành bài hát nổi tiếng tên là Quê Hương.
7. Tổng kết
Tri thức rất quan trọng nhưng không phải toàn năng, lý thuyết phải đi đôi với thực hành. Chủ động với tri thức cũng phải chủ động thực hành, ứng dụng vào thực tiễn. Nếu chỉ tự học mà không vận dụng, việc tự học sẽ trở nên vô nghĩa.
Có rất nhiều cách để thành công xong tự học chính là con đường ngắn nhất. Học tri thức, học cách sống và cách làm người, học mọi lúc mọi nơi nhưng phải có chọn lọc.
Chúng ta phải quan niệm việc học tập và tự học là một quá trình, là “học tập suốt đời”. Chúng ta cần kiên trì và quyết tâm tự học, thành công nhất định sẽ mỉm cười với bạn.
Chúng ta hãy cùng nhau học theo tinh thần khiêm hạ mà Bác Hồ đã dạy: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”.
“Nếu một người đổ hết ví vào đầu, không ai có thể cướp được nó khỏi anh ta. If a man empties his purse into his head, no one can take it from him.” (Benjamin Franklin)
Bạn có thể đọc thêm:
Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích. Bạn hãy chia sẻ bài viết này đến bạn bè, người thân để họ cùng phát triển bản thân mình ngày một tốt hơn!
Ngạn ngữ Gruzia đã dạy rẳng:
“Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”
Ý thức được giá trị kỳ diệu mà tri thức mang lại, chúng tôi lập ra blog này với mục tiêu chia sẻ 2.000 cuốn sách hay, 2.000 bài học và những tư duy mà tôi biết và trải nghiệm được trong cuộc sống. Tôi tin tưởng mạnh mẽ sách sẽ giúp chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sách hoàn toàn có thể biến một người bình thường trở nên phi thường.
“Lòng biết ơn có thể làm tất cả những ngày thường thành lễ tạ ơn, làm các công việc thường ngày thành niềm vui và thay đổi cơ hội bình thường thành phước lành” (William Arthur Ward)
Hãy biết ơn những gì đang có và bạn sẽ nhận được nhiều hơn…
Nếu bạn nhận được những giá trị tốt đẹp từ chúng tôi, hãy ủng hộ chúng tôi hoàn thành dự án này trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi tin rằng dự án này sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ VN.
Một con én không làm nên mùa xuân, hãy chung tay cùng chúng tôi để lan tỏa tri thức đến mọi người.
ỦNG HỘ CHÚNG TÔI BẰNG NHỮNG CÁCH SAU:
1. ỦNG HỘ QUA TÀI KHOẢN PAYPAL
Paypal: phamgiangit@gmail.com
2. CHUYỂN KHOẢN QUA VIETCOMBANK
Số TK: 0721005116323
Ngân Hàng Vietcombank
Tên TK: Phạm Trường Giang
3. CHUYỂN KHOẢN QUA ACB
Số TK: 205849459
Ngân hàng ACB
Tên TK: Phạm Trường Giang
Nguyện cầu cho bạn và gia đình luôn khỏe mạnh, tràn ngập tiếng cười, sự bình an, hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống.
Pingback: Sống tử tế mỗi ngày - GPT Share
Pingback: Học làm giàu bằng cách thay đổi tư duy - GPT Share